Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

XUÂN ĐẾN

Xuân tới trên làng Ảo bến Mơ,
Mang hơi ấm lạ đến không ngờ.
Tình nhen lửa đỏ nồng men rượu.
Nghĩa dệt tơ vàng đượm tứ thơ.
Sẻ nửa thương đau vơi biển đợi.
Chia đôi uất hận cạn sông chờ.
Vui gieo cái chữ vào nhung nhớ.
Buồn đã tan rồi vẫn ngẩn ngơ.
(Bạn thơ Vũ Nam)
Xuân đến đất trời rộn sắc thơ
Mang tình yêu đến dạ mong chờ
Tình xưa đã thả bay theo gió
Nghĩa cũ trôi rồi chẳng vẩn vơ
Sẻ chia nỗi nhớ cùng xuân mới
Chia vui tình thắm với mong chờ
Vui ghé bạn thơ ai có đợi?
Buồn gieo nỗi nhớ vào trong thơ.
(Thumai)

HOA XOAN


Trong miền ký ức xa xôi
Thăm thẳm khoảng trời, sắc tím hoa xoan
Hương thơm kỳ diệu nồng nàn
Lối cũ bạt ngàn cánh mỏng buông lơi
Dẫu cho ngày ấy xa vời
Đâu đây bóng mẹ cha tôi thật hiền
Hoa xoan trắng tím ngoài hiên
Quen quen, lạ lạ triền miên hương đời
Vấn vương mấy sợi tơ trời
Hoa xoan lả tả, tình ơi nhạt nhòa.
(Vũ Nam tặng Thu Mai)

Hoa xoan vẫn rụng đầy sân
Lớp lớp trắng ngần quyện với tím yêu
Sắc hoa vẫn tím trời chiều
Đường xưa vẫn nhớ miền yêu thủa nào
Hương hoa ngan ngát thanh tao
Để lại nỗi nhớ cồn cào trong thơ
Người đi xoan vẫn đợi chờ
Buồn, thương đành mượn lời thơ tỏ bày
(Thu Mai)

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Về bài thơ "HAI CHỊ EM" của Vương Trọng


HAI CHỊ EM

- Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa!
Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
Thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.

Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện
Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?

Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra tòa vừa nghe nói
Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng Về.

Mẹ bế em âu yếm, vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
Nó sung sướng vào ra tíu tít
Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra!

Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý
Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký
Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa.

Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa còn mẹ thì thôi, không còn bố
Hai chị em rồi sẽ mất nhau…

- Nín đi em! - Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!

Vương Trọng, 1985

Vẫn biết mọi chuyện đã an bài, cần phải đối mặt với thực tế, nhưng sao đọc bài thơ vẫn thấy sót xa trong lòng, tủi hờn vẫn dâng trào trên khóe mắt. Mình biết có một dạo họ đã dán bài thơ này ở tòa để cho những cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa đọc nó trước khi quyết định ly hôn. Và cũng đã có không ít những cặp đã nhờ đó mà giữ được hạnh phúc gia đình. Chúc cho mọi gia đình HẠNH PHÚC.

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Cười "vỡ bụng" vì tật nói nhịu sau sinh

Nói nhịu sau sinh là một trong những “tật” mà nhiều chị em mắc phải. Tật này khiến nhiều chị em rơi vào tình huống bi hài.

Bi hài chị em nói nhịu sau sinh
Sau khi sinh Xuka - con gái đầu lòng, chị Thương (Minh Khai, Hà Nội) càng ngày càng xinh đẹp. Được cái Xuka rất ngoan, đến giờ ăn là ăn, ngủ là ngủ, ít quấy khóc khiến ai trong gia đình cũng hoan hỉ. Nhưng đi cùng với niềm hạnh phúc ấy là chị Thương nói nhịu “thành thần”.
Trong một buổi tiệc chúc thọ cụ đằng nhà chồng, vợ chồng chị Thương mang ra một chai rượu quý, chị đã nhanh nhẩu: "Mời cụ dùng rượu thuốc này ạ, bổ vô cùng, đảm bảo điều hòa kinh nguyệt”.
Sau khi thấy cả nhà cười lăn cười bò, chị mới biết mình bị nói nhịu tai hại. Chồng chị vừa cười hô hố vừa nhắc vợ: “Điều hòa kinh mạch chứ em”.
Cả nhà chị thần tượng đội tuyển MU, một buổi tối nọ, cả nhà thức khuya để tận hưởng trận đấu, thấy đội bóng của mình đá hơi yếu, chị đứng dậy gào thét: "Ơ cái thằng hậu môn kia bắt bóng kiểu gì thế nhể?" làm cả nhà lại được một trận cười vỡ bụng.
Chị tâm sự: "Lúc phát ngôn rồi mới phát hiện là mình nói sai, mọi người trong nhà trố mắt ra nhìn làm mình ngượng quá phải bỏ lên phòng".
Cát Bà là điểm du lịch gia đình chị định đi vào đợt hè tới, và thế là cứ khi nào chị nhắc tới địa danh đó lại bị nhầm thành “Bát Cà”, cả nhà thì được phen cười đau ruột còn chị thì lo lắng đứng ngồi không yên: “Mình mà cứ bị tật nói nhịu này ám ảnh thì còn dám thò mặt ra nhìn ai cơ chứ”.
Cười "vỡ bụng" với các mẹ nói nhịu sau sinh 1
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, tật nói nhịu còn ảnh hưởng đến cả công việc của chị. Là một cô giáo dạy Địa lý cấp 2, từ "ngụ cư" là từ được chị dùng khá phổ biến. Thế nhưng từ ngày sinh Xuka xong, từ đó toàn được chị “biến tấu” thành “ngự cu”.
Cứ khi nào đang dạy mà trò cười khúc khích là chị biết ngay mình bị “bé cái nhầm”. Đến ngày có Đoàn trường về dự giờ, chị quyết phải cẩn thận nói chậm rãi nhưng cứ dùng đến từ đó lại nhầm.
Cùng cảnh sau khi sinh
 bị nói nhịu giống chị Thương là chị Hoa (Hàn Thuyên, Hà Nội). Chị khóc nức nở khi “mình bị nhịu chữ gì không nhịu là nhịu đúng từ condom”.
Chị làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về HIV/AIDS, 1 ngày chị phải gặp không biết bao nhiêu lần từ condom thành ra nhịu từ này. Ngoài chồng chị, những người trong gia đình không ai biết tiếng Anh nên khi nhịu từ này lúc đó chỉ có hai vợ chồng rũ rượi cười với nhau.
Nhưng ở cơ quan chị lại khác, cứ khi nào cả phòng Dự án cười như pháo rang là quả nhiên “bà Hoa béo nói nhịu”.
Lúc thì tìm khẩu trang trong túi xách, chị bảo: “Thôi chết! Quên mang... condom rồi!'’, lúc thì “Đeo condom đỡ bụi hơn, thiếu khó chịu bỏ xừ, bắt chồng đeo đấy thế nhưng lão ấy ngại”…
Thế là thôi, tất cả chừng ấy con người, già trẻ lớn bé gái trai cứ bò ra bàn ra sàn nhà mà cười. Mấy lần chị định thanh minh thanh nga nhưng chẳng thể chen ngang được vào những tràng cười ấy nên đành vội vã… chuồn lẹ.
Ngoài từ “condom” nổi bật, chị thi thoảng cũng nhịu líu lo những từ khác. Điển hình, có lần, chị phải nhờ đến sự viện trợ của sếp cho dự án công việc của mình. Đang hí húi làm, chị lôi ra được một sợi tóc đen dài. Chị trêu sếp là “mang về mà xâu kim”, líu lưỡi thế nào chị lại bảo: “Sếp mang về mà xâu chim”, trong khi tay thì đang căng sợi tóc dài trước mặt sếp.
Mọi người xung quanh thì ôm bụng cười, sếp thì trợn mắt lên khó hiểu, chị thì nửa cười nửa mếu nhìn lại sếp vì ngượng.
Chuyện chưa dừng ở đó, khi dự án được thông qua, vợ chồng chị qua nhà cảm ơn sếp đã giúp đỡ. “Vụ lần này của tớ khiến ông xã phải bảo ‘ôi thật ngoạn mục với chiêu nói nhịu của em", chị nói.
Hôm đó, đến nhà sếp chơi, chị hồn nhiên nhận xét bể cá bonsai nhà sếp: “Sếp ơi, quả này tốn điện nhờ, phải bật điện cả ngày cây mới có thể giao hợp được”.
Cả sếp và chồng đứng hình trong vài giây. Chồng quá hiểu vợ nên chữa lại ngay: “À, quang hợp”.
Đúng lúc đó, mẹ sếp đi khám vì đau bụng về. Chị với vẻ mặt lo lắng, hỏi rất nghiêm túc “Bệnh viện trả về hở bác?” ngay sau câu đó chị chữa ngượng ngay: - Ý cháu là “Bác sĩ bảo gì ạ?”. Thấy "ban căng", sếp chuyển ngay chủ đề "Hai bạn uống cafe nhé". Vì đang nuôi con bằng sữa mẹ nên sếp lịch sự mang cho chị cốc sữa tươi. Chẳng hiểu nghĩ gì chị nhận xét: “Tuyệt vời, sữa tươi tinh trùng hả sếp?”. Sau một màn cười gượng gạo của tất cả mọi người, vợ chồng chị lầm lũi đi về.
Cười "vỡ bụng" với các mẹ nói nhịu sau sinh 2
Ảnh minh họa.
Cũng vì tật nói nhịu này mà chị Liên (Thành Công, Hà Nội) năm lần bảy lượt bị mọi người cười cho “thối mũi”. Sau khi sinh bé, chị rất khó hiểu vì mình liên tục bị nói nhịu. Chị là sếp cấp cao của tập đoàn liên doanh nọ, uy là thế, vậy mà biết bao lần chị bị cả phòng đông như kiến cười sằng sặc vì cái tật nói nhịu liên hồi của mình.
Lúc thì là: “Em ơi, trong buổi launching sản phẩm lần này, em phải chuẩn bị cho mỗi thành viên 1 cuốn sổ, 1 bút kỳ chim nghe”.
Rồi đang trong phòng họp, chị hướng dẫn một cán bộ lên chỗ mình: “Anh đi thẳng, gặp phòng tiếp dâm thì hỏi bảo vệ lên gặp tôi”. Nói xong, chị thấy đầu dây bên kia im phăng phắc và một tràng cười từ đám đồng nghiệp của chị.
Khắc phục chứng nói nhịu sau sinh
Nói nhịu là một trong những “tật” mà nhiều chị em mắc phải sau khi sinh. Nói nhịu là nói nhầm ý này thành ý kia, từ này thành từ kia. Để khắc phục chứng nói nhịu chị em cần phải suy nghĩ kỹ trước khi nói, nói chậm rãi vì nói nhanh thì khả năng nhịu sẽ cao hơn.
Nên nói những câu đơn giản, dễ hiểu, hạn chế từ mình thường nói nhịu.
Tuy nhiên, có kiêng
có lành bởi sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ sẽ yếu đi nên chị em tránh nói nhiều, nói nhanh để cơ thể mau chóng bình phục. 
(Theo internet 08/4/2013)

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

TÌNH CHA CON

Đây là bức ảnh chụp năm 2001 khi con trai út tròn 1 tuổi. Con trai lớn được hơn 3 tuổi. Tôi rất thích tấm hình này. Tôi đã rửa một tấm nhỏ, ép plastic rồi cất trong ví để đi đâu cũng có hình hai con theo cùng. Tôi tự tin nói rằng, ngay cả những người không yêu lắm trẻ con, nhìn bức hình này cũng thích.(cái này gọi là con hát mẹ khen hay. Nhưng đúng thế phải không các bạn). Có người bạn đã nói rằng: nhìn như 2 con gấu bông. Đôi mắt tròn xoe, đen láy. Hai khuôn mặt giống nhau như đúc và còn giống y đúc một người nữa. Đôi khi cũng buồn chạnh lòng vì con mình mà chẳng giống mình chút nào. Đi đâu chỉ có 3 mẹ con, mọi người cũng kết luận ngay một câu: giống bố phải không?(mặc dù họ chưa nhìn thấy bố cháu bao giờ). Nhưng lớn hơn thế là cảm xúc rất hạnh phúc vì mình đã sinh cho chồng hai cục cưng giống bố như đúc. Nói đến đây mình lại muốn khóc vì hạnh phúc đó giờ đã không còn nữa rồi. Tôi thích tấm hình này vì nó còn gắn với một kỷ niệm rất thương của các con tôi. Trước khi con nhỏ đầy 1 tuổi, bố cháu đi công tác triền miên ba tháng sau mới về. Trước khi về, anh đã điện thoại báo cho mẹ con ở nhà biết chiều sẽ về. 14h, nghe tiếng chuông cửa, tay dắt con trai lớn xuống cầu thang, tay bế cháu nhỏ xuống đón bố. Thằng lớn chạy ào ra ôm chầm lấy bố, ríu rít khoe chuyện. Thằng bé trên tay mẹ nhìn bố chăm chăm nhưng không phản ứng gì. Bố xòe tay đòi bế, nhưng cháu ngoảnh mặt đi không chịu. Nghĩ là lâu ngày mới về nên cháu quên, tôi giục chồng đi thay đồ rồi hãy bế con. Một lát, anh từ trên nhà xuống. Đứng dưới chân cầu thang, vừa nhìn thấy bố trong bộ đồ quen thuộc ở nhà, thằng bé oà khóc nhào ra đòi bố bế. Rồi cứ thế, ôm chặt lấy bố khóc nức nở. Bố dỗ, mẹ dỗ thế nào cũng không nín. Mẹ bế cũng không theo. Thì ra bé khóc vì tủi thân, vì dỗi hờn. Tôi chỉ biết ngồi im nhìn con mà lòng vừa đau, vừa thương. Cảm xúc thật khó tả. Chỉ biết rất thương con. Phải hơn một tiếng sau cháu mới thôi khóc. Ở nhà với con được 2 ngày, anh lại tiếp tục đi công tác. Quyến luyến vợ con, mãi tối khi các con ngủ say rồi anh mới đi. Như có linh cảm điều gì, nửa đêm, thằng lớn tỉnh giấc hỏi mẹ bố đâu. Biết là con sẽ đòi bố, tôi nói dối bố xuống dưới nhà. Cháu không tin, bắt mẹ dắt xuống tìm. Không biết phải làm sao, tôi cũng dắt cháu xuống nhà. Trong lòng nghĩ, không có bố, cháu khóc một chút sẽ thôi. Nhưng xuống nhà không thấy bố, cháu đòi mẹ mở cửa đi tìm bố. Lúc đó đã nửa đêm, chỉ còn cách cương quyết không mở rồi lên nhà, để cháu một mình, tối, cháu sợ sẽ theo mẹ lên nhà. Cháu cũng sợ, vừa khóc, vừa theo mẹ lên nhà, nhưng hai tay cầm hai chiếc dép lê của bố, miệng vẫn gào lên: đi tìm bố. Lên nhà rồi, tay vẫn cầm chặt đôi dép, miệng vẫn khóc, giằng nhau với mẹ đòi mẹ dắt xuống nhà đi tìm bố. Dỗ mãi cháu không được, tôi lại chiều cháu cho xuống nhà tìm bố. Xỏ chân vào dép của bố, con đi trước, mẹ đi sau bước xuống cầu thang. Hình ảnh đôi bàn chân bé xíu trong đôi dép to đùng của bố, chân nọ dẫm vào chân kia vất vả xuống cầu thang đến giờ vẫn làm đau trái tim tôi. Mở cửa cho cháu ra ngoài, trong lòng nghĩ: trời tối thế này chắc cháu sẽ sợ không dám đòi đi nữa. Vậy mà, vừa mở cửa, chẳng cần mẹ, hai bàn chân nhỏ xíu trong đôi dép to đùng ấy, cháu bước ra ngoài đường, vừa đi vừa khóc gọi: bố ơi, bố đâu rồi? Thương con đau thắt ruột gan, mẹ khóc, con khóc, tôi phải chạy theo ôm con bế về. Viết đến đây tôi lại nhớ kỷ niệm khi con trai lớn chưa đầy 2 tuổi. Cũng vẫn vì nhớ chồng, nên khi anh đi rồi, chiếc áo mặc dở thay ra tôi không đành giặt ngay, treo trên móc áo. Mấy hôm sau, trong lúc đang loay hoay thu dọn quần áo dơ để giặt, con trai lớn vào phòng, thấy chiếc áo của bố, cháu bập bẹ nói: "áo bú". "Đúng rồi, con mang xuống nhà để mẹ giặt nhé". Nói rồi, tôi nhấc chiếc áo đưa con. Con trai ôm chiếc áo vào lòng rồi đi xuống nhà. Yên tâm con nghe lời, tôi còn dọn dẹp gấp quần áo xong rồi mới xuống. Nhưng mới được một lát, nghe có tiếng con khóc ngoài đường. Nhìn qua cửa sổ. Trời ơi, con tôi! Áo bố dài hơn hơn người đang trùm kín qua đầu, đôi chân trần bước thấp bước cao, mắt chẳng nhìn thấy đường đâu, vừa đi vừa khóc gọi: bố ơi! TM, 13/7/2012 Viết những dòng này, tim tôi vẫn đang quặn thắt. Nước mắt lại đang rơi. Ôi con tôi! Có sợi dây tình cảm nào hơn như thế. Vậy mà giờ đây…. "Bố là xe ngựa, con cưỡi con chơi. Bố là xe hơi..., bố là tàu hỏa.... Bố là tất cả, bố ơi, bố ơi...." Nghe bài hát đó có ông bố nào không cảm động không nhỉ? Hai nhóc nhà chị dễ thương quá . Chúc chị và các cháu an lành! TrìnhAnh, 15/7/2012 Khi gia đình còn hạnh phúc thì ông nào cũng thương con, nhưng khi đã yêu người khác thì con cũng chỉ là nợ, nếu không cũng chẳng còn tâm trí, thời gian đâu mà nghĩ đến con nữa. Đàn ông là thế. Chỉ có phụ nữ là có thể chết vì con. Cảm ơn Trinh Anh. Chúc một ngày vui nhé! Bạn nói đúng: Ảnh hai cháu rất đẹp không cần biết chúng giống ai. Nên cất giữ cẩn thận cho chúng sau này. Cám ơn Trần Mai Chúc bạn vui khỏe để chăm sóc hai cục cưng tốt Thân ái Hải Thăng, 13/7/2012 Cảm ơn anh đã ghé thăm Đôi lời chia sẻ tấm lòng em vui Thứ 7, chủ nhật đến rồi Chúc anh vui vẻ với người thân yêu TM,13/7/2012 Nghe tiếng nấc trong lòng ngực, Giọng trẻ thơ văng vẳng đâu đây. Ngàn sau, sau nữa, tình này, Vết trầm cứa nát...hồn ngây dại chờ...! Chút lòng chia sẻ ! Giờ này... ấm áp yêu thương! Maitranghuynh,12/7/2012 Cảm ơn Maitranghuynh đã chia sẻ. Thật sự mỗi khi anh chị ghé blog, nhìn tấm hình hai người sao thấy rất gần gũi, giống như có anh chị ghé nhà thăm thật vậy. Anh chị thật hạnh phúc. Cuộc đời không biết có bao nhiêu người được như thế. Chúc chị tối vui vẻ. Chúng tôi chỉ mưu cầu hạnh phúc và luôn mong mọi người hạnh phúc... nên khi gặp điều mọi người không được vui mình cũng cãm thấy xót! Cám ơn TranMai đã có lòng, chỉ mong mỗi chúng ta đều được hạnh phúc! MTH, 13/7/2012

NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ CÔ ĐƠN

Người ta sinh ra là để được yêu thương, với đàn ông và đàn bà, với những gã trai đa tình mật ngọt hay những cô chân dài lẳng lơ… ngay cả mình cũng vậy!
Thói đời, người trong chưa hiểu kẻ bên ngoài đã la toáng lên... Ôi! Thiếu gì những chuyện mắt thấy tai nghe, chuyện cơm phở tầm phào, người vợ, người tình, kẻ đến trước người tới sau... Đàn ông, con trai lập phòng nhì hay bắt cá hai ba tay vẫn cứ là chuyện xưa nay vẫn thế... Chung quy lại cũng phận đàn bà, phụ nữ như nhau trước sau gì cũng hiểu.
Đơn giản là cứ ngủ với trai một lần trong đời khi chưa là vợ, sau khi đã là vợ vẫn cứ là con này con kia  thôi... Chả trách, chưa khảo đã xưng, vén áo gãi lưng, sao không hở được chứ? Khốn thay, chỉ để cho đàn ông vừa được thưởng thức vừa không tiếc lời bình phẩm... Tại vì phụ nữ chúng ta quay lưng, khuất mắt chứ đứng đó mà nghe chắc cũng phải chạy dài với các anh ấy và có lẽ thề rằng kiếp này ăn chay cầu nguyên, mai sau là đàn ông, làm chồng của họ, để cũng được bới lông vạch tội, rồi lại được mỉa mai khi đám đàn bà tranh giành xâu xé, làm tổn thương nhau...
Cố gắng chứng minh mình là tốt và tình yêu đang dành cho nhau là xứng đáng, để khi buông tay thì hả hê phủ đầu mọi chuyện. Thật lạ, ai cũng nghĩ tình yêu là vĩnh cửu, là đẹp hoàn toàn trong mắt nhau, vậy mà khi chia tay thì kẻ ở, người đi chẳng bao giờ nói về nhau được câu nào tốt. Thương thay, những người vợ, cả chuyện những kẻ thứ ba, những tâm sự đắng lòng, chua xót, thế mới biết phàm là đàn ông thấy của lạ thì ham, thấy cái hoa tươi thì sẵn sàng hái.
Khi yêu nhau... chỉ biết mình cần họ và có lẽ họ cũng đang rất cần ta
Thân do cha mẹ sinh ra, trái tim lại đặt nhầm chỗ... Khổ, kiếp hồng nhan sớm nhận lấy cái sự thật phũ phàng... Chia tay, nước mắt cứ chảy dài theo mỗi bước đi từ đấy. Cái lằn ranh giữa hạnh phúc, bất hạnh, còn mong manh hơn với những người vay mượn tình yêu.Đó là cách mà người đời thẳng thừng phê chuẩn: "Chẳng có cái hạnh phúc cho kẻ thứ ba, cho người phụ nữ ăn nằm với chồng của người khác". Lúc đó mới tỉnh ngộ, cả đàn bà, cả đàn ông đều nuối tiếc ân hận cho cái mình mong muốn: "Phải có được người như anh/em ấy” để rồi hụt hẫng vì đôi khi người ta yêu không vì sự hoàn hảo trong mắt của số đông đánh giá, mà đơn giản là yêu người phù hợp với mình. "Chẳng phải nồi nào vung nấy” không có nghĩa là như nhau mà thuần túy là người này chịu ảnh hưởng của người kia, bởi vậy... lựa chọn đúng một tình yêu cho mình đã là thành công của cuộc đời.
Ôi, đứng sau lưng một người thì hạnh phúc, đứng trước một người thì bất hạnh, mà đứng ngang bên cạnh thì không dám chắc chả bao lâu trở nên cô độc… Vậy nên, cố gắng học cách thứ tha, bao dung và thanh thản bước tiếp vì đơn giản lắm, chỉ còn hai con đường để chọn: hoặc còn hoặc mất.
Hóa ra yêu là thế, khi yêu nhau người ta chẳng thể hiểu người đối diện, chỉ biết mình cần họ và có lẽ họ cũng đang rất cần ta. Vậy nên tự dưng cho mình cái quyền sở hữu. Ngay cả cái tấm thân vàng ngọc khi cha mẹ sinh ra cưng như trứng, đói nghèo vất vả mấy cũng dồn hết cho con, nuôi ăn học đàng hoàng, chưa đền ơn đáp nghĩa đã phát sinh nhiều chuyện lớn, nhỏ làm đau đầu phụ huynh... Mình có lẽ cũng vậy, đang nếm trải cái cảm giác đó, khi nhóc nhà mình vẫn còn nhỏ đã ti toe kể chuyện lớp con có 2 đứa… yêu nhau. Nghe vừa buồn cười vừa sốc, yêu cho sớm vào, cái gì cũng có thời gian và chu kì của nó, sớm nở thì sớm tàn mà sớm huênh hoang thì cũng sớm tường tận cái cám cảnh của đời.
Hạnh phúc có vẻ bấp bênh và người ta luôn chuẩn bị cho mình hành trang đơn độc. Thôi thì mình lại chia tay, đời có bao lâu mà hờ với hững, mới có đi chưa được chạy đã ngã rõ đau, ai bảo cứ thích sưu tầm mấy cái chuyện trai gái, mấy của ngon vật lạ, nem với chả... bằng những cuộc tình đến đi còn nhanh hơn cả cách làm quen một người bạn. Thôi, trái đất  tròn hiển nhiên mà, nên chuyện người ta gặp rồi chia tay cũng bình thường là thế, vậy nên xã hội khối anh chàng toan tính, khối cô nàng tranh thủ trao đổi hay đánh đổi... hay cũng như mình cũng yêu vì một mục đích nào đó.
Đời chẳng cho ai tất cả, mà cũng không lấy đi của ai mọi thứ... như mình cái vẻ dửng dưng ai mà dám chắc đang si tình một ai đó, chứng tỏ mình rất đa cảm. Cả cái bất mãn của một gã đàn ông, luôn miệng nói hận đàn bà... nhưng lại chơi trò cút bắt, trốn tìm... chả hiểu họ khỏa lấp, khát khao hay nhu cầu, đam mê... cảm xúc nào cũng đầy đủ nhưng lại ngụy tạo bằng cái vỏ đầy trách nhiệm và bản lĩnh.
Ôi, đàn ông vô tâm, đàn bà vô tình.. .những kẻ ngưu tầm mã kiếm... những lứa đôi tưởng chừng như hai mảnh ghép vừa vặn, vậy mà khi xảy ra biến cố dù chỉ là rất nhỏ họ đã săm soi nhau một cách quá đáng vì khi quá quen người đàn ông, đàn bà của mình, lúc đó người ta không còn nhận ra mùi, vị của người đối diện... Trách chi kẻ ngang xương chen chân cũng phán vài câu chiếu lệ cho có, vậy mà  hay, hay mà đúng...
Cơ sự diễn ra, kẻ khóc than người đau khổ, kẻ thua cuộc kia thì đứng hình, đứng tiếng không có gì để nói vì im lặng là tốt nhất, do không biết hay không hiểu, không cập nhật tin tức, số phận hiển nhiên, mặc định dành cho mình…  thì chả bao lâu sau lại "Phía trước con đường có ai đó đợi em chưa?". Nếu có, đàn ông cam tâm bỏ gia đình thì chắc hẳn khi sống chung chị em ta cũng hồi hộp không kém, hay cố gắng vận hết 10 thành công lực, cam chịu giữ tiếng chả lại bẽ bàng... Cũng như mình, là phụ nữ đấy thôi, lương duyên không trọn thì cũng bằng lòng để nghĩ cho cuộc sống mới, cho dù đàn ông họ có buông tay hay mình can đảm rũ bỏ thì suy cho cùng vẫn chỉ là khác nhau về mặt từ ngữ, còn chuyện "còn hay mất" người yêu bên cạnh thì như nhau.
Thế nhé, mình là một ả đa sầu đa cảm, nhan sắc bình thường, tài năng không có gì nổi bật nhưng sau một quãng thời gian dài, khá dài sống theo kiểu thay đổi để thích ứng với cuộc đời, có được, có mất... mình dám chắc cái bất hạnh của mỗi người trong tình yêu, hôn nhân phần lớn tự họ tạo nghiệp chướng và cái hạnh phúc muốn có cũng phải tự mình kiếm tìm và nắm giữ. Số phận nằm ở trong chính bản than mỗi chúng ta.Đừng vì chia tay mà oán trách những người đối diện, những người dạy ta cách yêu, cách ta lựa chọn và tương tác với cuộc đời...

CHIỀU BUỒN

Thì thôi anh hãy cứ yên lòng
Về đi kẻo lại có người mong
Duyên tình đã hết đường hai ngả
Ngẫm kiếp cô đơn thấy chạnh lòng.

Chạnh lòng thương thay phận má hồng
Suốt đời sống trong sự chờ mong
Tình chồng nghĩa vợ còn đâu nữa
Hỏi gió, mây, trăng có buồn không?

Chiều nay trời lại nổi cơn dông
Sấm chớp mưa tuôn ngập cánh đồng
Trời ơi! Mưa, sao mưa nhiều thế
Có biết lòng tôi đang bão dông?
                     ( 17h, 07/7/2012)